Kiên
Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long - phía Tây Nam của Tổ
quốc: phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và
Bạc Liêu; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ và
tỉnh Hậu Giang; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.
Vị
trí địa lý của Kiên Giang có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế - xã
hội tổng hợp, là cửa ngõ hướng ra biển Tây của tỉnh cũng như của vùng
đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế
biển, đảo và giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế với các
ngành mũi nhọn như du lịch, thương mại, dịch vụ công nghiệp và nuôi
trồng thuỷ sản…
Kiên Giang có tổng diện tích tự nhiên 6.346,27 km2.
Theo kết quả điều tra ngày 01/04/2009, dân số tỉnh Kiên Giang là
1.683.149 người, mật độ 267 người/km², khu vực nông thôn 73,1%, thành
thị 26,9%; dân tộc chủ yếu là người Kinh, Khmer, Hoa. Dân số của tỉnh
phân bố không đều, thường tập trung ở ven trục lộ giao thông, kênh rạch,
sông ngòi và một số đảo, quy mô dân số đến năm 2010 dự kiến dưới 1,8
triệu người.
Đơn vị hành chính:
Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, thị: Thành phố Rạch Giá,
thị Xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương; huyện Hòn Đất, huyện Tân Hiệp, huyện
Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao, huyện An Biên, huyện An
Minh, huyện Vĩnh Thuận, huyện Phú Quốc, huyện Kiên Hải, huyện U Minh
Thượng và huyện Giang Thành.
Tài nguyên đất: Tổng
diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang là 634.627,21 ha, trong đó: Nhóm
đất nông nghiệp 575.697,49 ha chiếm 90,71% đất tự nhiên (riêng đất lúa
354.011,93 ha chiếm 61,49% đất nông nghiệp); nhóm đất phi nông nghiệp
53.238,38 ha, chiếm 8,39% diện tích tự nhiên; nhóm đất chưa sử dụng
5.691,34 ha, chiếm 0,90% diện tích tự nhiên; đất có mặt nước ven biển
13.781,11 ha (là chỉ tiêu quan sát không tính vào diện tích đất tự
nhiên). Nhìn chung đất đai ở Kiên Giang phù hợp cho việc phát triển nông
lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt khá dồi dào, nhưng đến mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10)
phần lớn nước mặt của tỉnh đều bị nhiễm phèn mặn, do vị trí ở cuối
nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu, nhưng lại ở đầu nguồn nước mặn của
vịnh Rạch Giá. Toàn tỉnh có 3 con sông chảy qua: Sông Cái Lớn (60 km),
sông Cái Bé (70 km) và sông Giang Thành (27,5 km) và hệ thống kênh rạch
chủ yếu để tiêu nước về mùa lũ và giao thông đi lại, đồng thời có tác
dụng tưới nước vào mùa khô.
Tài nguyên biển: Kiên Giang có 200 km bờ biển với ngư trường khai thác thủy sản rộng 63.290 km2.
Biển Kiên Giang có 143 hòn đảo, với 105 hòn đảo nổi lớn, nhỏ, trong đó
có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống; nhiều cửa sông, kênh rạch đổ ra biển,
tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cung cấp cho các loài hải sản cư
trú và sinh sản, là ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Theo
điều tra của Viện nghiên cứu biển Việt Nam, vùng biển ở đây có trữ lượng
cá, tôm khoảng 500.000 tấn, trong đó vùng ven bờ có độ sâu 20-50 m có
trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng
khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, tức là hàng năm có thể khai thác
trên 200.000 tấn; bên cạnh đó còn có mực, hải sâm, bào ngư, trai ngọc,
sò huyết,... với trữ lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi. Ngoài ra
tỉnh đã và đang thực hiện dự án đánh bắt xa bờ tại vùng biển Đông Nam bộ
có trữ lượng trên 611.000 tấn với sản lượng cho phép khai thác 243.660
tấn chiếm 40% trữ lượng.
Tài nguyên khoáng sản:
Có thể nói Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản dồi dào bậc nhất ở
vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua thăm dò điều tra địa chất tuy chưa đầy
đủ nhưng đã xác định được 152 điểm quặng và mỏ của 23 loại khoáng sản
thuộc các nhóm như: Nhóm nhiên liệu (than bùn), nhóm không kim loại (đá
vôi, đá xây dựng, đất sét…), nhóm kim loại (sắt, Laterit sắt…), nhóm đá
bán quý (huyền thạch anh - opal…), trong đó chiếm chủ yếu là khoáng sản
không kim loại dùng sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng. Theo điều tra
của Liên đoàn Địa chất, trữ lượng đá vôi trên địa bàn tỉnh khoảng hơn
440 triệu tấn. Theo quy họach của tỉnh, trữ lượng đá vôi cho khai thác
sản xuất vật liệu xây dựng là 255 triệu tấn, đảm bảo đủ nguyên liệu cho
các nhà máy xi măng, với công suất 3 triệu tấn/năm trong thời gian
khoảng 50 năm.
Tiềm năng du lịch:
Kiên Giang có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn
Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi Mo So, bãi biển Mũi Nai,Thạch Động,
Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, Hòn Đất, rừng U Minh, đảo Phú Quốc… Để khai thác
có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, Kiên Giang đã xây dựng 4 vùng
du lịch trọng điểm như:
* Phú Quốc:
có địa hình độc đáo gồm dãy núi nối liền chạy từ Bắc xuống Nam đảo, có
rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, có nhiều bãi tắm đẹp
như Bãi Trường (dài 20 km), Bãi Cửa Lấp – Bà Kèo, Bãi Sao, Bãi Đại, Bãi
Hòn Thơm... và xung quanh còn có 26 đảo lớn nhỏ khác nhau. Theo chủ
trương của Chính phủ đảo Phú Quốc được xây dựng thành trung tâm du lịch
nghỉ dưỡng quốc tế chất lượng cao. Phú Quốc và hai quần đảo An Thới, Thổ
Châu là vùng lý tưởng cho việc phát triển du lịch biển đảo như: tham
quan, cấm trại, tắm biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, các lọai hình
thể thao nước. Phú Quốc có truyền thống văn hóa lâu đời và nhiều đặc sản
nổi tiếng, như: nước mắm phú Quốc, hồ tiêu, ngọc trai, rượu sim, cá
trích, nấm tràm... Chính từ sự phong phú, đa dạng của Phú Quốc, hàng năm
khách du lịch đến Phú Quốc tăng nhanh, năm 2008 đã thu hút trên 200.000
lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 55.000 lượt.
* Vùng Hà Tiên – Kiên Lương:
Nhiều thắng cảnh biển, núi non của Hà Tiên – Kiên Lương như: Mũi Nai,
Thạch Động, núi Tô Châu, núi Đá Dựng, đầm Đông Hồ, di tích lịch sử văn
hoá núi Bình San, chùa Hang, hòn Phụ Tử, bãi Dương, núi MoSo, hòn Trẹm,
quần đảo Hải Tặc và đảo Bà Lụa rất thích hợp cho phát triển du lịch tham
quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng.
Những thắng cảnh như núi Tô Châu, đầm Đông Hồ, sông Giang Thành, khu du
lịch Núi Đèn đang được đưa vào khai thác du lịch chính thức. Hà Tiên có
truyền thống lịch sử văn hóa, văn học - nghệ thuật, với những lễ hội cổ
truyền như Tết Nguyên tiêu, kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh
Các, lễ giỗ Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đình Thành Hoàng… Hiện nay, Kiên
Giang đã có tour du lịch đến nước bạn Campuchia qua đường cửa khẩu Quốc
tế Hà Tiên. Đây là cánh cửa mở ra để vùng Kiên Lương - Hà Tiên nối liền
với các nước Đông Nam Á; đồng thời mở tuyến du lịch xuyên ba nước, từ
Phú Quốc đến Shianouk Ville (Campuchia) và tỉnh Chanthaburi (Thái Lan)
bằng đường biển và đường bộ.
* Thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận:
Thành phố Rạch Giá là trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, có bờ
biển dài 7 km, giao thông thủy, bộ và hàng không rất thuận tiện. Rạch
Giá có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều di tích lịch sử văn hóa, là điểm dừng
chân để đi tiếp đến Hà Tiên, Phú Quốc và các vùng khác trong tỉnh. Do
đó, có lợi thế trong phát triển các dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, các
dịch vụ vui chơi giải trí về đêm; có 2 hệ thống siêu thị quy mô lớn đảm
bảo nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và du khách (siêu thị
Citimart khu lấn biển và siêu thị Co.op Mart Rạch Sỏi). Thành phố Rạch
Giá là nơi đầu tiên ở Việt Nam
tiến hành việc lấn biển để xây dựng đô thị mới. Khu lấn biển mở rộng
thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam
bộ. Hiện tại thành phố đang và chuẩn bị đầu tư nhiều công trình quan
trọng như: khu đô thị mới Vĩnh Hiệp, khu đô thị phức hợp lấn biển, 2 cầu
nối liền khu lấn biển và khu 16 ha, cầu Lạc Hồng.... Một số khu vực phụ
cận của Rạch Giá như huyện đảo Kiên Hải, Hòn Đất, U Minh Thượng cũng có
nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Kiên Hải đang khai thác các tour
khám phá biển đảo đi - về trong ngày. Đây là vùng thắng cảnh biển - đảo
với đặc thù nghề truyền thống đi biển, làm nước mắm, chế biến hải sản,
tạo thành nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt. Khu du lịch Hòn Đất đang
hoàn chỉnh và hoàn thiện những công trình văn hóa tại khu mộ Anh hùng
liệt sĩ Phan Thị Ràng (chị Sứ), xây dựng khu trưng bày một số hiện vật
chứng tích chiến tranh tại khu phát sóng truyền hình của tỉnh trên đỉnh
Hòn Me…
* Vùng U Minh Thượng:
Với đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn, Vườn Quốc
gia U Minh Thượng – khu căn cứ địa cách mạng, khu dự trữ sinh quyển thế
giới, đã mở cửa phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái. Khu du lịch
Vườn Quốc gia U Minh Thượng phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái
kết hợp với tìm hiểu văn hóa nhân văn sông nước vùng bán đảo Cà Mau và
du lịch nghiên cứu di chỉ khảo cổ Ốc Eo – Phù Nam (Cạnh Đền, Nền Vua, Kè
Một). Quần thể di tích căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng với di tích
Ngã Ba Cây Bàng, Ngã Ba Tàu, Thứ Mười Một, Rừng tràm Ban Biện Phú, khu
tập kết 200 ngày kinh xáng Chắc Băng, là điểm thu hút du khách tìm hiểu
lịch sử cách mạng… đồng thời, tỉnh vừa khởi công xây dựng một số công
trình theo Đề án phục dựng Khu căn cứ Tỉnh uỷ trong kháng chiến tại
huyện Vĩnh Thuận.
Ngoài
4 vùng du lịch trọng điểm, Kiên Giang hiện có khu Dự trữ sinh quyển với
diện tích hơn 1,1 triệu ha. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang chứa đựng
sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái, có giá
trị lớn về mặt nghiên cứu, cũng như du lịch. Khu dự trữ sinh quyển Kiên
Giang trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh
Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải, gồm 3 vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U
Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên
Lương, Kiên Hải.
Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội
Đảng
bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có nhiều cố gắng thực hiện thắng lợi
các mục tiêu kinh tế - xã hội theo yêu cầu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại
hội VIII và Kế hoạch 5 năm (2006-2010) đề ra. Những năm qua, nền kinh tế
của tỉnh vẫn duy trì được khả năng tăng trưởng cao, năm 2008 đạt 12,6%,
ước bình quân 5 năm đạt 11,6%, tăng hơn giai đọan trước 0,5%.
Nền
kinh tế phát triển đúng hướng, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh
từng bước được cải thiện. Quy mô tổng sản phẩm nền kinh tế của tỉnh năm
2008 đạt 15.185,5 tỷ đồng, ước năm 2010 đạt 18.722 tỷ đồng gấp 1,7 lần
năm 2005, GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt 802 USD (giá 94), ước năm
2010 đạt 964 USD gấp 1,6 lần với năm 2005.
Cơ
cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ:
Năm 2008, tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 22,87%, ước
năm 2010 chiếm 25,9%, tăng 5,4% so với năm 2005; dịch vụ chiếm 29,96%,
ước năm 2010 chiếm 32,7%, tăng 4,73% so với năm 2005. Đi đôi với việc
phát triển kinh tế, quan tâm giải quyết có hiệu quả các vấn đề văn hóa -
xã hội quan trọng, xã hội hóa đạt được kết quả bước đầu trên một số
lĩnh vực.
Lĩnh
vực nông lâm thuỷ sản có sự chuyển dịch tương đối rõ nét, hiệu quả sử
dụng đất được tăng lên, đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang
nuôi trồng thuỷ sản. Đất nông nghiệp sử dụng hiệu quả hơn, cơ cấu vật
nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị
trường. Sản lượng lúa năm 2008 đạt 3.387.234 tấn, tăng 1.199.241 tấn so
với năm 2001. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển khá nhanh, năm 2008 diện
tích nuôi trồng 107.523 ha, sản lượng 110.230 tấn, so với năm 2001 diện
tích tăng 2,9 lần và sản lượng tăng 6,5 lần. Riêng diện tích tôm nuôi
đạt 81.255 ha, sản lượng 28.601 tấn, trong đó nuôi tôm công nghiệp và
bán công nghiệp 1.428 ha tập trung chủ yếu ở vùng tứ giác Long Xuyên.
Sản lượng khai thác tăng từ 311.618 tấn năm 2006 lên 318.255 tấn năm
2008.
Công
nghiệp của tỉnh phát triển chủ yếu ở 2 lĩnh vực truyền thống là sản
xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông hải sản. Sản lượng sản xuất xi
măng năm 2008 đạt trên 4.605.000 tấn tăng gấp 2 lần năm 2001. Chế biến
thuỷ sản thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào khu
cảng cá Tắc Cậu, công suất trên 114.764 tấn với công nghệ hiện đại.
Thị
trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh với các
mặt hàng chủ lực là gạo và thuỷ sản, kim ngạch xuất khẩu 2008 đạt 491
triệu USD bằng 4,5 lần năm 2001. Lượng khách du lịch tăng nhanh từ
1.182.908 lượt khách năm 2001 lên 3.450.000 lượt khách năm 2008. Số cơ
sở kinh doanh du lịch cũng tăng đáng kể, nhiều dự án du lịch đã và đang
triển khai đầu tư.
Năng lực vận tải đường không, đường bộ, đường thuỷ tăng nhanh về số lượng, chất lượng phục vụ tăng cao.
Huy
động nguồn lực cho đầu tư phát triển tăng khá mạnh. Từ 2001-2008 đã huy
động các nguồn vốn đầu tư trên 44.905 tỷ đồng. Đến năm 2008, đã có 94%
số xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 67% được
nhựa hoá hoặc bê tông hoá, phòng học kiên cố và bán kiên cố 95,2%. Kinh
tế tư nhân, cá thể phát triển mạnh, hiện có hơn 3.600 doanh nghiệp, vốn
đăng ký 7.053 tỷ đồng và 33.500 hộ kinh doanh (tăng 9.700 hộ so năm
2005). Thu hút 12 dự án nước ngoài (FDI), vốn đầu tư đăng ký 2,1 tỷ USD.
Giáo
dục và đào tạo có bước phát triển, cơ sở vật chất trường lớp được đầu
tư mạnh, đến nay giảm tỷ lệ phòng học cây lá xuống còn 5% và không còn
phòng học ca 3; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 9% năm 2001 lên 15,4% năm
2008.
Mạng
lưới y tế cơ sở được đảm bảo, đến năm 2008 có 95% số xã có trạm y tế,
83,3% ấp có trạm y tế, 67% trạm y tế có bác sỹ và 75% trạm y tế đạt
chuẩn quốc gia.
Thực
hiện có hiệu quả chương trình xoá đói giảm nghèo, đã giảm tỷ lệ hộ
nghèo từ 14,02% năm 2005 xuống còn 7,4% năm 2008; có 24/42 xã đã thoát
khỏi diện xã đặc biệt khó khăn.
Có thể nói, những năm qua thành tựu mà tỉnh Kiên Giang đạt được là cơ
bản, to lớn và khá toàn diện. Kinh tế - xã hội có tiến bộ vượt bậc từ
khi đổi mới đến nay, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể, tạo niềm
tin phấn khởi và tạo đà quan trọng cho sự phát triển sắp tới.
|